Vai trò của tài sản trí tuệ đối với doanh nghiệp
Trong xu thế phát triển và hội nhâp kinh tế như hiện nay, DN dù lớn hay nhỏ khi tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh dù ít hay nhiều đều liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), đây được xem như là một tài sản lớn, hữu ích. Đặc biệt là quyền SHTT liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp, nó có ý nghĩa ngày càng lớn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và lưu thông hàng hóa của mỗi tổ chức, đơn vị sản xuất kinh doanh. Vai trò của quyền sở hữu trí tuệ ngày càng được các doanh nghiệp coi trọng.
Các DN trên thế giới khi xây dựng chiến lược, kế hoạch kinh doanh, đã sử dụng các tài sản trí tuệ (TSTT) như sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp… làm đòn bẩy để tìm kiếm các nguồn lực đầu tư vào DN. Hiện nay chúng ta đang sống trong một thế giới mà công nghiệp dựa vào sức mạnh trí tuệ của con người tạo nên. SHTT trở thành tâm điểm của sự thành công hay thất bại về kinh tế của các tập đoàn kinh tế hiện đại (Microsoft chẳng sở hữu gì có giá trị ngoài kiến thức, Nhà sáng chế cấp li xăng sáng chế “Lon có khuyên kéo” cho Công ty Coca-Cola với giá 1/10 pen/lon. Trong thời hạn hiệu lực của Bằng độc quyền sáng chế, chủ sở hữu sáng chế thu được 148.000 Bảng Anh/ngày phí li xăng).
TSTT có tác động nhiều đến các hoạt động của DN như: Trong sản xuất, kinh doanh và nó gắn liền với hoạt động thương mại; TSTT có thể sinh lợi thông qua việc mua, bán, trao đổi; góp vốn kinh doanh; cho thuê; tạo thế cạnh tranh… Có nhiều thách thức trong quá trình hội nhập mà DN Việt Nam phải đối mặt đó là: việc sử dụng các quyền SHTT của người khác; Bảo vệ quyền SHTT khi xuất nhập khẩu hàng hoá và bị ngăn cản khi xuất khẩu/nhập khẩu bởi quyền SHTT.
Trong các TSTT thì kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, tên thương mại thường có tác động rõ nét nhất, khi đến với khách hàng những dấu hiệu này thường khắc hoạ hình ảnh của sản phẩm hay hình ảnh của DN trong tiềm thức và tình cảm của khách hàng. Khi nhắc đến một nhãn hiệu, một kiểu dáng nào đó thì người tiêu dùng có thể nghĩ ngay đến sản phẩm cũng như những đặc trưng, lợi ích thậm chí cả nền văn hoá của DN sở hữu các đối tượng đó.
Ngày nay người tiêu dùng không chỉ trả tiền cho giá trị sản phẩm mà còn trả tiền cho sự hài lòng của mình khi mua được sản phẩm có nhãn hiệu nổi tiếng. Khi đó vấn đề tâm lý của họ được giải quyết, họ tin rằng với sản phẩm có mang nhãn hiệu đó sẽ trở nên “hợp thời” và “hoàn hảo”. Nhãn hiệu chính là công cụ marketing đắc lực của DN. Với những đặc tính khác biệt của nhãn hiệu sẽ giúp DN tấn công vào thị trường mục tiêu. Bên cạnh đó nhãn hiệu còn hỗ trợ nhiều cho các chính sách mở rộng, cũng giúp cho quá trình phân phối sản phẩm được dễ dàng hơn. Bởi một thực tế dễ nhận thấy các khách hàng khi mua hàng đều cảm thấy tin tưởng hơn khi mua những hàng hoá có tên gọi, nhãn hiệu mà họ quen biết từ trước. Bản thân những người bán hàng cũng thấy tự tin hơn khi thuyết phục chào mời khách hàng với những hàng hoá có nhãn hiệu đã được biết đến rộng rãi. Nhãn hiệu tốt sẽ giúp tạo dựng hình ảnh, vị thế vững chắc của DN trên thị trường, thu hút khách hàng mới, thu hút đầu tư cũng như thu hút nhân tài.… Nhãn hiệu cũng góp phần tăng lợi thế cạnh tranh về giá cho hàng hoá. Những mặt hàng mang nhãn hiệu nổi tiếng dù giá cả có cao hơn chút ít so với những mặt hàng cùng loại hay cao hơn cả chính bản thân giá trị thực của nó cũng không gặp khó khăn trong việc tiêu thụ. Ngoài ra một nhãn hiệu đang chiếm lĩnh thị trường cũng là một rào cản quan trọng ngăn cản sự thâm nhập của các đối thụ cạnh tranh mới.
Trong những lợi thế mà TSTT mang lại cho DN còn phải kể đến sự bảo hộ của Nhà nước, cơ quan có thẩm quyền và pháp luật trong việc hạn chế và chống lại những đối thủ cạnh tranh lấy cấp TSTT để làm giả (VD: giả nhãn hiệu) nhằm lợi dụng uy tín lớn của DN.
Tóm lại, kinh tế coi quyền SHTT là sức cạnh tranh. Nhà khoa học coi quyền SHTT là sức sáng tạo. Xã hội coi quyền SHTT là sức sống. Cạnh tranh trên thế giới hôm nay và ngày mai là cạnh tranh về quyền SHTT.