Giỏ hàng

Lịch sử hình thành và phát triển của Cục Sở hữu trí tuệ

Ngày 29 tháng 7 năm 1982, Cục Sáng chế, tiền thân của Cục Sở hữu trí tuệ ngày nay, được thành lập. Chặng đường xây dựng và phát triển đã đánh dấu những mốc son lịch sử quan trọng của Cục Sở hữu trí tuệ. Từ một đơn vị mới thành lập chỉ với 27 cán bộ, đến nay, Cục Sở hữu trí tuệ đã trở thành một đơn vị lớn mạnh với 17 đơn vị trực thuộc, 333 cán bộ công chức và người lao động làm việc tại Hà Nội và 2 Văn phòng đại diện tại thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Công tác quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ cũng như các hoạt động sự nghiệp về sở hữu công nghiệp được Cục triển khai toàn diện, hiệu quả, đáp ứng tốt nhu cầu của xã hội, góp phần không nhỏ vào sự phát triển của khoa học, công nghệ nói riêng và nền kinh tế của đất nước nói chung trong thời kỳ hội nhập.

1. Giai đoạn 1982-1992

Cục Sáng chế được thành lập theo Nghị định số 125/HĐBT ngày 29 tháng 7 năm 1982 của Hội đồng Bộ trưởng, trên cơ sở tổ chức của Phòng Quản lý Sáng chế - Phát minh thuộc Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước.

Những ngày đầu thành lập với bao khó khăn về nguồn nhân lực, về cơ sở vật chất, kỹ thuật nhưng cán bộ Cục Sáng chế đã nêu cao tinh thần vượt khó, chủ động, sáng tạo, khẩn trương thực hiện các biện pháp kiện toàn về tổ chức, tăng cường cơ sở vật chất, kết hợp với tìm tòi, nghiên cứu, tham khảo mô hình và kinh nghiệm hoạt động của các nước trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, một lĩnh vực còn vô cùng mới mẻ đối với đất nước ta thời kỳ đó.

Kết quả là, trong giai đoạn 1982-1992, Cục Sáng chế đã thực hiện được nhiều nội dung công việc quan trọng, đó là:

Thứ nhất, chủ trì soạn thảo, trình Chính phủ và các cấp có thẩm quyền ban hành hàng loạt văn bản quan trọng như:

+ Nghị định số 197/HĐBT về Điều lệ Nhãn hiệu hàng hóa, Nghị định số 85-HĐBT ngày 13/5/1988 về bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, Nghị định số 200-HĐBT ngày 28/12/1988 về bảo hộ giải pháp hữu ích, Nghị định số 201-HĐBT về li-xăng sở hữu công nghiệp;

+ Thông tư liên Bộ số 892/TT/LB ngày 4/8/1982 hướng dẫn thi hành những vấn đề về tài chính và trả thưởng quy định trong điều lệ sáng kiến, Thông tư liên Bộ số 1608/NN-UBKHKTNN ngày 23/12/1982 về đăng ký và bảo hộ sáng chế cho giống cây trồng và giống gia súc, gia cầm mới, Thông tư số 1258/SC ngày 18/10/1983 hướng dẫn thi hành điều lệ nhãn hiệu hàng hóa, Thông tư liên Bộ số 173/SC ngày 15/2/1984 về hướng dẫn thi hành việc khen thưởng cho sáng kiến, sáng chế làm thay đổi thiết bị xây dựng cơ bản.

Thứ hai, thực hiện tốt công tác tiếp nhận và xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp. Kết quả là, ngày 28/6/1984, 9 Bằng độc quyền sáng chế đầu tiên được cấp và công bố rộng rãi. Đến ngày 26/8/1991 đã đánh dấu sự kiện Bằng độc quyền sáng chế số 100 được cấp cho “Nguyên liệu để sản xuất vật liệu cách nhiệt diatomit và phương pháp sản xuất vật liệu này”. Đối với đăng ký nhãn hiệu, ngày 29/6/1984, 12 Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đầu tiên được cấp. Giấy chứng nhận đăng ký Kiểu dáng công nghiệp và Bằng độc quyền giải pháp hữu ích đầu tiên được cấp vào năm 1989. Thông qua Văn phòng quốc tế của Thỏa ước Madrid, chỉ tính riêng năm 1983 đã chấp nhận cho đăng ký vào Việt Nam 2.972 nhãn hiệu quốc tế.

Thứ ba, công tác thu thập và lưu trữ thông tin, tư liệu được triển khai 1 cách khoa học. Kho tư liệu sáng chế ban đầu hình thành gồm hơn 500.000 bản giấy và hàng nghìn bản vi phim, phục vụ công chúng 2.000 bản mô tả sáng chế. Bắt đầu tiến hành xây dựng bộ phiếu tra cứu theo phân loại sáng chế quốc tế và thử nghiệm tự động hóa tìm tin qua hệ thống máy tính. Với sự nỗ lực cố gắng của tập thể cán bộ Cục Sáng chế, đến năm 1989, kho thông tin tư liệu sáng chế đã đạt số lượng 11 triệu bản mô tả sáng chế của 18 nước và 2 tổ chức quốc tế, hàng chục nghìn công báo sáng chế của các nước. Hàng triệu thư mục sáng chế của 52 nước đã được xây dựng và đưa vào khai thác sử dụng. Trung tâm Thông tin, tư liệu sáng chế đã được trang bị các phương tiện hiện đại để phục vụ nhu cầu tra cứu thông tin như: máy vi tính, máy đọc vi phim, đầu đọc CD-ROM, hệ thống sao chụp và in ấn.

Thứ tư, tuy mới thành lập nhưng Cục Sáng chế rất coi trọng việc mở rộng hoạt động hợp tác quốc tế. Tháng 12 năm 1985, Cục Sáng chế đã đăng cai tổ chức Kỳ họp lần thứ 26 của Hội nghị Lãnh đạo cơ quan sáng chế các nước thành viên Hội đồng tương trợ kinh tế SEV tại Hà Nội với sự tham gia đầy đủ của 10 đoàn đại biểu của các nước thành viên SEV. Hội nghị đã thông qua nghị quyết chung, trong đó có việc xây dựng kế hoạch phối hợp hoạt động và chương trình phát triển hệ thống thông tin sáng chế quốc tế (MTPI) cho đến năm 1995. Năm 1986, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã đầu tư cho Việt Nam dự án “Phát triển hoạt động sở hữu công nghiệp ở Việt Nam và xây dựng Trung tâm tư liệu sáng chế quốc gia” trị giá 448.000 USD, qua đó đã góp phần tạo ra những cơ sở vật chất ban đầu và nâng cao năng lực hoạt động của Cục Sáng chế.

Thứ năm, Cục Sáng chế đã chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức cho tuổi trẻ cả nước tham gia các cuộc triển lãm “Tuổi trẻ sáng tạo” của thanh niên các nước trên thế giới, tổ chức các Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc,v.v.., góp phần xây dựng và phát triển phong trào sáng kiến sâu rộng trong cả nước.

Ngày 16/4/1987, Lễ Khởi công công trình xây dựng trụ sở mới của Cục Sáng chế được tiến hành. Sau hơn 1 năm khẩn trương thực hiện, ngày 22/11/1988, Trụ sở mới của Cục đã được khánh thành, khắc phục được tình trạng khó khăn về chỗ làm việc, tạo ra một diện mạo mới cho cơ quan Cục Sáng chế.

Một sự kiện quan trọng trong giai đoạn này phải kể đến là sự ra đời của Pháp lệnh bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp ngày 11/2/1989, đánh dấu sự thay đổi căn bản của hệ thống bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp ở nước ta. Theo đó, Việt Nam chính thức bãi bỏ hình thức bảo hộ sáng chế dưới dạng cấp Bằng tác giả sáng chế. Lần đầu tiên, cụm từ “sở hữu công nghiệp” được chính thức sử dụng trong văn bản pháp luật. Sáng chế và các đối tượng sở hữu công nghiệp khác được coi là tài sản và là đối tượng của quyền sở hữu, tạo điều kiện khuyến khích sáng tạo và cân bằng lợi ích của chủ thể quyền với lợi ích xã hội. Pháp lệnh còn quy định bảo hộ tên gọi xuất xứ hàng hóa nhằm phát huy thế mạnh của các sản phẩm độc đáo và nổi tiếng từ lâu đời của Việt Nam. Sau khi Pháp lệnh ra đời, số lượng đơn yêu cầu cấp Văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp và số lượng Văn bằng được cấp ra tăng trưởng liên tục trong các năm tiếp theo.

2. Giai đoạn 1993-2002

Ngày 22/5/1993, Chính phủ ban hành Nghị định số 22-CP quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, theo đó Cục Sáng chế chính thức được đổi tên thành Cục Sở hữu công nghiệp.

Ngày 28/10/1995, Bộ Luật Dân sự đã được Quốc hội khóa IX thông qua, với phần thứ VI quy định về quyền sở hữu trí tuệ, trong đó có Chương 2 về quyền sở hữu công nghiệp và chuyển giao công nghệ gồm 26 điều khoản quy định những nguyên tắc cơ bản nhằm xác lập và bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp. Đây là cơ sở pháp lý cao nhất và đầy đủ nhất để triển khai toàn diện hoạt động sở hữu công nghiệp và tạo ra một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử bảo hộ quyền hữu công nghiệp ở Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử nước CHXHCN Việt Nam, quyền sở hữu trí tuệ được Nhà nước thừa nhận như một loại quyền dân sự, khẳng định những nguyên tắc dân sự cơ bản của quyền sở hữu trí tuệ và được cơ quan quyền lực cao nhất là Quốc hội quy định. Hoạt động sở hữu công nghiệp thời kỳ này chuyển sang giai đoạn mới: giai đoạn từng bước hội nhập với thế giới và khu vực.

Để triển khai thực hiện Bộ luật Dân sự năm 1995, Cục Sở hữu công nghiệp đã nhanh chóng nghiên cứu, soạn thảo các văn bản hướng dẫn thi hành để trình các cấp có thẩm quyền ban hành như:

+ Nghị định số 63/CP ngày 24/10/1996 của Chính phủ quy định chi tiết về sở hữu công nghiệp, Nghị định số 12/1999/NĐ-CP ngày 06/3/1999 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, Nghị định số 54/2000/NĐ-CP ngày 03/10/2000 của Chính phủ quy định về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến sở hữu công nghiệp, Nghị định số 06/2001/NĐ-CP ngày 01/02/2001 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung 1 số điều của Nghị định số 63/CP, Nghị định số 42/2003/NĐ-CP ngày 05/5/2003 của Chính phủ quy định về bảo hộ thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn;

+ Thông tư số 3055/TT-SHCN ngày 31/12/1996 của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường hướng dẫn thi hành Nghị định số 63/CP, Thông tư số 23/TCT ngày 09/5/1997 của Bộ Tài chính  hướng dẫn thu nộp và sử dụng phí, lệ phí sở hữu công nghiệp, Thông tư số 29/2003/TT-BKHCN ngày 05/11/2003 của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với kiểu dáng công nghiệp, Thông tư số 30/2003/TT-BKHCN ngày 05/11/2003 của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế và giải pháp hữu ích.

Giai đoạn 1993-2002 cũng đánh dấu những dấu mốc quan trọng trong lĩnh vực hợp tác quốc tế về sở hữu trí tuệ, đó là:

- Năm 1993, Chính phủ phê chuẩn Hiệp ước hợp tác về sáng chế (PCT) và Việt Nam chính thức tham gia Hiệp ước này từ ngày 10/3/1993;

- Tháng 4 năm 1994, ký kết bản ghi nhớ hợp tác song phương trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp giữa Việt Nam và Thái Lan và tháng 2 năm 1995 ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giữa Cục Sở hữu công nghiệp Việt Nam và Cục Sở hữu trí tuệ Thái Lan;

- Tháng 9 năm 1995, ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác sở hữu trí tuệ giữa Việt Nam và Australia. Trước đó, vào tháng 7 năm 1994, Tổng giám đốc cơ quan sở hữu công nghiệp Australia (AIPO) đã thăm chính thức Cục Sở hữu công nghiệp;

- Ngày 15/12/1995, tại cuộc họp thượng đỉnh lần thứ 5 của các nước ASEAN đã ký kết Hiệp định khung về hợp tác sở hữu trí tuệ giữa các nước ASEAN. Cục Sở hữu công nghiệp đã tham dự cuộc họp của Nhóm công tác về sở hữu trí tuệ của ASEAN để dự thảo Hiệp định khung này;

- Tháng 7 năm 1999, ký kết hiệp định về sở hữu trí tuệ và hợp tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ giữa Việt Nam và Thụy Sỹ, trong đó, Chính phủ Thụy Sỹ đã tài trợ cho Việt Nam thực hiện “Chương trình Hợp tác đặc biệt Việt Nam – Thụy Sỹ về sở hữu trí tuệ (gọi tắt là chương trình SPC);

- Tháng 12 năm 1999, ký kết Thỏa thuận triển khai Dự án Hiện đại hóa quản trị sở hữu công nghiệp (MOIPA) do Chính phủ Nhật Bản tài trợ, cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) quản lý. Dự án đã góp phần quan trọng trong công cuộc cải tiến công nghệ xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp, tự động hóa các thao tác nghiệp vụ liên quan đến tiến trình xử lý đơn của Cục Sở hữu công nghiệp;

- Năm 2000, Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ được ký kết, trong đó có 1 Chương về sở hữu trí tuệ.

Công tác xác lập quyền sở hữu công nghiệp trong giai đoạn này cũng ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc. Nếu như năm 1992 có 83 đơn đăng ký sáng chế được nộp và số Bằng độc quyền sáng chế được cấp là 35, thì năm 2002 có tới 1.211 đơn sáng chế được nộp và 743 Bằng độc quyền sáng chế được cấp. Tương tự đối với nhãn hiệu, năm 1992 có 4.617 đơn đăng ký nhãn hiệu được nộp và 3.308 Giấy chứng nhận nhãn hiệu được cấp thì năm 2002 con số này đã là 8.818 đơn nhãn hiệu được nộp và 5.200 Giấy chứng nhận nhãn hiệu được cấp.

Những thành tựu đạt được của Cục Sở hữu công nghiệp giai đoạn 1993-2002 từng bước khẳng định vai trò quan trọng của lĩnh vực này đối với sự phát triển của nền kinh tế đất nước.

3. Giai đoạn 2003 đến nay

Ngày 19 tháng 5 năm 2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 54/2003/NĐ-CP quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Khoa học và Công nghệ, theo đó Cục Sở hữu công nghiệp được đổi tên thành Cục Sở hữu trí tuệ với chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy được mở rộng hơn so với trước.

Cục Sở hữu trí tuệ vừa đảm nhiệm chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thống nhất quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, vừa trực tiếp quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện các hoạt động sự nghiệp về sở hữu công nghiệp theo quy định của pháp luật. Từ 12 đơn vị và bộ phận trước đây, đến nay, bộ máy tổ chức của Cục Sở hữu trí tuệ bao gồm 17 đơn vị, trong đó có 7 Phòng, 8 Trung tâm và 2 Văn phòng đại diện.

Sự ra đời của Văn phòng Đại diện tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2004 và Văn phòng Đại diện tại thành phố Đà Nẵng năm 2005 đánh dấu sự vươn mình mạnh mẽ của Cục Sở hữu trí tuệ, khẳng định vai trò, vị thế của Cục trong sự phát triển của khoa học công nghệ nói riêng và của đất nước nói chung. Cùng với sự ra đời của 2 Văn phòng đại diện, lần đầu tiên tại Việt Nam, công việc tiếp nhận đơn sở hữu công nghiệp được tiến hành tại 3 địa điểm đặt tại 3 miền của đất nước, được ghi nhận và cấp số đơn đồng thời, thống nhất trong phạm vi toàn quốc thông qua mạng trực tuyến.

Trước những cơ hội và thách thức to lớn trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ đã trở thành một trong những mối quan tâm đặc biệt, là yếu tố quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế đất nước trong thời kỳ mới.

Về hệ thống pháp luật, yêu cầu đặt ra trong thời kỳ này là phải đổi mới căn bản và toàn diện toàn bộ cấu trúc của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ, đáp ứng được những đòi hỏi của thực tiễn đất nước và yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế.

Đáp ứng yêu cầu đó, Cục Sở hữu trí tuệ đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng văn bản luật chuyên ngành đầu tiên trong lĩnh vực này. Kết quả là, ngày 29/11/2005, Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 8 đã thông qua Luật Sở hữu trí tuệ bao gồm 6 phần, 18 Chương, 222 Điều, có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2006. Đây là một sự kiện quan trọng, đánh dấu một giai đoạn mới của quá trình phát triển hoạt động sở hữu trí tuệ của Việt Nam. Cùng với Bộ Luật Dân sự năm 2005, hai văn bản này đã tạo thành một hệ thống các quy định hoàn chỉnh và thống nhất về quyền sở hữu trí tuệ, thay thế cho các quy định trước đây. Sự kiện này có ý nghĩa to lớn đối với quá trình gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) năm 2007 cũng như quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam, góp phần thúc đẩy hơn nữa các hoạt động sáng tạo và phát triển môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Một loạt các văn bản pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Sở hữu trí tuệ cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ chủ trì, phối hợp xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ký ban hành như:

+ Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, Nghị định số 105/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, Nghị định số 106/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp;

+ Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN ngày 14/2/2007 của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thi hành Nghị định số 103/2006/NĐ-CP của Chính phủ;

+ Thông tư số 16/2016/TT-BKHCN ngày 30/6/2016 của Bộ Khoa học và Công nghệ  sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN ngày 14 tháng 02 năm 2007 hướng dẫn thi hành Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 13/2010/TT-BKHCN ngày 30 tháng 7 năm 2010, Thông tư số 18/2011/TT-BKHCN ngày 22 tháng 7 năm 2011 và Thông tư số 05/2013/TT-BKHCN ngày 20 tháng 02 năm 2013;

+ Thông tư số 263/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí sở hữu công nghiệp.

Công tác hợp tác quốc tế trong giai đoạn từ năm 2003 đến nay đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận:

- Trong tiến trình đàm phán gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), Cục Sở hữu trí tuệ đã trực tiếp chuẩn bị nội dung, phương án đàm phán và tham gia đàm phán về sở hữu trí tuệ, góp phần kết thúc 12 năm đàm phán gia nhập, chính thức đưa Việt Nam trở thành thành viên đầy đủ thứ 150 của WTO kể từ ngày 11/01/2007;

- Hưởng ứng năm APEC 2006, Cục Sở hữu trí tuệ lần đầu tiên đăng cai tổ chức Cuộc họp lần thứ 22 nhóm chuyên gia APEC về sở hữu trí tuệ và Hội thảo APEC về sở hữu trí tuệ dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, với sự tham gia của đại diện 21 nền kinh tế thành viên APEC vào tháng 2 năm 2006 tại Hà Nội. Các sự kiện được tổ chức thành công, để lại nhiều ấn tượng tốt đối với bạn bè quốc tế, góp phần quan trọng vào sự thành công chung của năm APEC Việt Nam 2006;

- Trong khuôn khổ hợp tác ASEAN về sở hữu trí tuệ, Cục Sở hữu trí tuệ đã đăng cai và tổ chức thành công nhiều sự kiện quan trọng như: Cuộc họp lần thứ 25 Nhóm công tác về Sở hữu trí tuệ ASEAN (AWIGIPC) tại thành phố Hồ Chí Minh tháng 2 năm 2006, Cuộc họp lần thứ 25 Nhóm công tác về Sở hữu trí tuệ ASEAN (AWIGIPC) và các sự kiện bên lề tại thành phố Hà Nội và tỉnh Quảng Ninh tháng 7/2017;

- Đối với Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định TTP), dưới sự chủ trì của Đoàn đàm phán chính phủ, Cục Sở hữu trí tuệ đã trực tiếp tham gia đàm phán, rà soát pháp lý và nội dung văn kiện Chương sở hữu trí tuệ cùng các thỏa thuận song phương, tiến tới ký kết Hiệp định ngày 04/02/2016;

- Một loạt các Hiệp định, Dự án hợp tác song phương và đa phương đã được Cục tích cực tham gia đàm phán, ký kết và xúc tiến triển khai: Hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN với Australia và Newzealand, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Hải quan (VCUFTA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Khối thương mại tự do Trung Âu (EFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Dự án hợp tác EC-Việt Nam về sở hữu trí tuệ (ECAP III) do Liên minh châu Âu tài trợ, Dự án “Ứng dụng thông tin sở hữu trí tuệ tại Việt Nam (UTIPINFO)” do Chính phủ Nhật Bản tài trợ,v.v..

Trong giai đoạn này, Cục Sở hữu trí tuệ cũng duy trì tốt mối quan hệ hợp tác với Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), tích cực tham gia các hoạt động của Tổ chức như: các cuộc họp Đại Hội đồng, các hội thảo chuyên đề về sở hữu trí tuệ. Cục đã 2 lần được vinh dự tiếp đón Tổng Giám đốc Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) sang thăm Việt Nam vào tháng 1 năm 2010 và tháng 3 năm 2017, qua đó thắt chặt mối quan hệ hợp tác với tổ chức hàng đầu thế giới trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, khẳng định được vai trò, vị thế của Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế.

Công tác xác lập quyền trong giai đoạn này đã có những bước tiến đáng ghi nhận. Số lượng đơn đăng ký xác lập quyền liên tục gia tăng. Năm 2003, số lượng đơn đăng ký sáng chế là 774 đơn, số lượng đơn đăng ký giải pháp hữu ích là 127 đơn, số lượng đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp là 680 đơn, số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu là 12.135 đơn. Đến năm 2016, con số này đã là 5.228 đơn sáng chế, 478 đơn giải pháp hữu ích, 2.868 đơn kiểu dáng công nghiệp và 42.848 đơn nhãn hiệu, gấp từ 3-8 lần so với năm 2003. Chỉ tính riêng năm 2016, Cục Sở hữu trí tuệ đã tiếp nhận tổng số 104.275 đơn các loại. Với khối lượng công việc gia tăng nhanh chóng, mặc dù nguồn nhân lực và điều kiện vật chất kỹ thuật và cơ sở hạ tầng còn hạn chế, nhưng toàn thể cán bộ công chức và người lao động của Cục đã nỗ lực cố gắng hoàn thành tốt công việc được giao. Số lượng đơn được xử lý cũng liên tục tăng. Năm 2003, số Bằng độc quyền sáng chế được cấp là 774, giải pháp hữu ích là 55, kiểu dáng công nghiệp là 680, Giấy chứng nhận nhãn hiệu là 12.135. Năm 2016 con số này là 1.893 đối với sáng chế, 177 đối với giải pháp hữu ích, 1.966 đối với kiểu dáng công nghiệp và 20.898 đối với nhãn hiệu.

Chất lượng xử lý đơn được Cục chú trọng và nâng cao thông qua một loạt giải pháp: ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình xử lý đơn thông qua Hệ thống quản trị đơn sở hữu công nghiệp (IPAS); ban hành các Quy chế thẩm định đơn nhằm thống nhất và minh bạch hóa quy trình xử lý đơn; áp dụng Hệ thống Tiêu chuẩn chất lượng ISO trong công tác xử lý đơn, v.v..

Bên cạnh công tác xác lập quyền, các công tác khác cũng được Cục triển khai toàn diện và hiệu quả như: tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội về sở hữu trí tuệ; hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ; triển khai Hệ thống nộp đơn trực tuyến, góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính và từng bước minh bạch hóa công tác xử lý đơn; đẩy mạnh công tác thông tin sở hữu công nghiệp thông qua Thư viện số về sở hữu công nghiệp, Thư viện số về Bằng sáng chế của Việt Nam, phát hành Công báo sở hữu công nghiệp điện tử, v.v..

Sự nỗ lực cố gắng và những thành tích đạt được của Cục Sở hữu trí tuệ đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận. Trong những năm qua, Cục đã vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương lao động hạng Nhì năm 2007, Huân chương lao động hạng Nhất năm 2012, cùng nhiều Bằng khen và các danh hiệu cao quý khác.

Có thể nói, cùng với sự phát triển của Cục Sở hữu trí tuệ, lĩnh vực sở hữu trí tuệ đã đóng góp một phần không nhỏ cho sự phát triển của nền kinh tế đất nước, thực sự là động lực cho đổi mới sáng tạo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Để đạt được những thành tích to lớn đó là nhờ vào sự nỗ lực, cố gắng cống hiến hết mình của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ công chức và người lao động đã và đang công tác tại Cục trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển. Bên cạnh đó, Cục cũng luôn nhận được sự quan tâm sâu sát của Chính phủ, sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Khoa học và Công nghệ (trước đây là Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước) và sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, địa phương trong cả nước để hoàn thành được những sứ mệnh lịch sử của mình./.

Trích dẫn theo nguồn: http://www.noip.gov.vn/web/guest/lich-su-phat-trien

Danh mục tin tức