SUỐT MÙA ĐÔNG CON KHÔNG ỐM NHỜ GIỮ ẤM 6 BỘ PHẬN NÀY !
Giữ ấm mùa Đông cho trẻ cần nhớ 6 bộ phận quan trọng trên cơ thể này để đảm bảo mùa Đông có lạnh thế nào trẻ cũng không phải đến gặp bác sĩ.
Sài Gòn đang trở lạnh, miền Bắc đón những đợt rét đậm, rét hại liên tiếp. Nhà có trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ mẹ cần chú ý giữ ấm mùa Đông thật kỹ cho bé để không bị bệnh vặt hay thường xuyên đến “thăm” bác sĩ.
6 bộ phận mẹ cần đặc biệm chăm sóc kỹ lưỡng sau khi sinh con vào mùa Đông: Mũi, bàn tay và bàn chân, lưng, bụng, tai và cổ họng.
+ Chiếc mũi mỏng manh
Mũi là bộ phận thường xuyên phải tiếp xúc với không khí vì nhiệm vụ chính là hít thở. Hiện tượng mũi đỏ ứng là phản xạ tự nhiên khi tiếp xúc với thời tiết lạnh quá lâu mà không được bảo vệ.
Các bệnh về mũi mùa Đông thường gặp: Sổ mũi, nghẹt mũi, cảm cúm, khô mũi, vỡ mao mạch, chảy máu mũi…
Để bảo vệ chiếc mũi nhỏ xíu mà mong manh dễ bệnh của con cha mẹ cần đặc biệt ưu tiên giữ ấm mọi lúc có thể. Ra ngoài cần đeo khẩu trang hoặc đội mũ kín đầu, với trẻ sơ sinh dùng khăn mỏng phủ che kín đầu.
Nếu bắt buộc phải di chuyển ra ngoài trong thời gian dài, khi trở về nhà cần thực hiện ngay việc lấy lại hơi ấm cho bé bằng cách massage dọc hai cánh mũi.
+ Mặc áo trùm kín bụng
Trẻ đang tập đi hoặc đang trong độ tuổi nổi loạn lên 2, lên 3 thường khá nghịch ngợm. Chuyện bé leo trèo, chạy nhảy là bình thường và hầu như không cách nào ngăn cấm, bắt bé ngồi yên một chỗ. Nếu mặc áo không đủ dài thường phần bụng sẽ bị hở và lạnh. Và chứng bệnh có thể gặp là đi ngoài, khó tiêu, cảm…
Cách tốt nhất nên mua đồ liền hoặc loại áo body có cài dưới bẹn để đảm bảo áo không bị kéo lên. Hoặc chọn mua áo yếm để quần không bị tuột khi vận động.
Mẹ có thể mặc đồ liền cho con để giúp phần bụng luôn được che chắn cẩn thận. Mẹ nên chọn bộ quần áo liền từ đầu đến chân hoặc loại áo body có cài dưới bẹn đảm bảo áo không bị kéo lên. Nếu tối đi ngủ sợ con đạp chăn hở bụng, mẹ có thể cho con dùng túi ngủ.
+ Luôn quàng khăn ấm cổ họng
Chỉ cần sơ hở một chút là cổ họng bé bị vi khuẩn tấn công ngay. Nhẹ thì cảm cúm ho một vài ngày nặng là viêm họng kéo dài. Mùa Đông này đừng quên khăn ấm quàng cổ cho bé!
Con nít thường ghét đeo khăn vì sự phiền toái mỗi khi nô đùa, chạy nhảy. Đặc biệt là bé trai, thường tháo khăn mỗi khi thấy vướng víu nhưng không nhớ quàng lại. Chính lúc này luồng không khí lạnh sẽ luồn từ phía gáy đến tai và cổ họng khiến cho bé có cảm giác gai lạnh, ảnh hưởng đến thanh quản và yết hầu gây ho, khàn tiếng.
+ Đôi tai ấm áp
Trẻ dưới 12 tháng tuổi tóc chưa phát triển nhiều, chưa có được “hàng rào” che chắn để bảo vệ, gió lạnh tấn công rất dễ phát bệnh. Vì vậy, ra ngoài trời mẹ nhớ đội mũ kiểu chùm kín, giữ đầu và tai ấm áp cho con.
+ Lưu ý, khi vào khu vực kín gió, ấm áp hơn, mẹ nên cởi mũ cho trẻ để tránh mũ quá dày gây nóng nực, toát mồ hôi nhiều gây phản tác dụng, thậm chí cảm lạnh. Đội mũ dày và bí cũng có thể khiến bé bị chóng mặt, khó chịu. Vì vậy, nên để ý cho con đội mũ mềm, thoải mái và thoáng khí mẹ nhé!
+ Đừng quên giữ ấm lưng
Lưng cũng như đầu cũng cần phải được giữ ấm khi tiết trời trở lạnh. Tuy nhiên, ấm khác nóng. Nếu nóng, đổ mồ hôi, gặp lạnh càng dễ bị bệnh hơn. Mẹ cần luôn để ý xem lưng bé có ra mồ hôi không, từ đó biết lớp trang phục mẹ mặc cho con có quá nóng hay quá lạnh mà điều chỉnh.
Trời lạnh có thể cho bé mặc áo gi-lê, vừa đảm bảo giữ ấm thân người, lại giúp con dễ dàng vận động, vui chơi.
+ Bàn tay và bàn chân
Lượng mỡ dưới chân của trẻ vốn đã rất ít nên việc giữ nhiệt thường kém và khá nhạy cảm khi không khí lạnh. Khi thời tiết trở lạnh, tốt nhất cần giữ ấm chân cho trẻ thường xuyên bằng tất chân và nên chọn loại thấm hút mồ hôi tốt.
Tương tự tay cũng cần giữa ấm bằng cách đeo găng. Đôi bàn tay bị nhiễm lạnh thường có dấu hiệu ửng đỏ hoặc trắng nhợt, các khớp tay yếu dần, da dẻ bị nhăn nheo. Nếu quá lạnh nhắc bé xoa hai bàn tay lại với nhau cũng giúp trẻ giữ ấm đôi tay.
Nguồn: marrybaby